Bạn đã thật sự hiểu những vấn đề sinh lý cơ bản của “cô bé”? Cùng chúng tôi nhìn nhận đầy đủ và giải quyết chúng một cách khoa học, hiệu quả.

 

Chị em phụ nữ dễ gặp phải các vấn đề phụ khoa trong nhiều giai đoạn nhất định
Chị em phụ nữ dễ gặp phải các vấn đề phụ khoa trong nhiều giai đoạn nhất định

 

Sinh lý vùng âm hộ – âm đạo

 

Âm hộ là vùng nằm phía trong môi nhỏ với nhiều nếp gấp. Trong khi đó, âm đạo là ống cơ trơn nối âm hộ đến cổ tử cung. Bề mặt âm hộ và âm đạo thường có xu hướng hơi ẩm ướt do dịch tiết. Vì điều kiện ẩm ướt, nằm gần cơ quan bài tiết, cộng với cấu trúc mở nên “cô bé” thường có nguy cơ viêm nhiễm cao.

 

Cơ chế bảo vệ tự nhiên của vùng kín

 

Bản thân vùng kín cũng có những cơ chế bảo vệ tự nhiên, bao gồm: dịch âm hộ – âm đạo, pH sinh lý, lợi khuẩn.

 

  • Dịch âm hộ – âm đạo có vai trò giữ ẩm, đào thải các vi sinh vật gây hại, bảo vệ niêm mạc bên dưới. Dịch này hơi đặc, thường trong/ trắng như sữa, không mùi/mùi nhẹ. Dịch bắt nguồn từ tuyến Bartholin (2 bên âm hộ), niêm dịch âm đạo/cổ tử cung/tử cung. 
  • pH sinh lý vùng kín thiên về tính acid (3.8 – 4.4), tạo môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn có lợi phát triển, ức chế các vi sinh vật gây hại.
  • Lợi khuẩn, đáng nói nhất là Lactobacillus sp. Chúng bám trên bề mặt biểu mô, chuyển hóa glycogen thành acid lactic giữ cho pH ở giá trị sinh lý.

 

Âm đạo có cơ chế bảo vệ tự nhiên hiệu quả
Âm đạo có cơ chế bảo vệ tự nhiên hiệu quả

 

Một số thay đổi sinh lý trong các giai đoạn

 

Hormon sinh dục nữ Estrogen là yếu tố điều hòa, chi phối hoạt động, tình trạng của “cô bé”. Do đó, tại các giai đoạn nhất định, tương ứng với sự thay đổi hormon, sinh lý vùng kín có một số thay đổi:

 

  • Chu kỳ kinh nguyệt: Dịch tiết của “cô bé” tăng lên trước kỳ kinh nguyệt. Dịch này có màu trắng hoặc hơi vàng, đôi khi lẫn 1 lượng máu nhỏ. Sau kỳ kinh nguyệt thường có màu nâu do còn lẫn máu kinh. Tối đa là 5 ngày sau kinh nguyệt, lượng dịch sẽ giảm đi và trở về như bình thường.
  • Mang thai: Hormon cùng lưu lượng máu trong cơ thể người mẹ tăng cao làm tăng tiết dịch âm đạo (loãng, màu trắng/ trắng đục). Đặc biệt, trong những tháng đầu, lông tóc phát triển nhanh kết hợp với đổ nhiều mồ hôi do thân nhiệt cao, vùng kín dễ bị viêm nhiễm nếu không được đảm bảo vệ sinh.
  • Mãn kinh: Estrogen suy giảm làm thoái hóa lớp biểu mô âm đạo – mỏng dần, mất tính đàn hồi và dễ bị tổn thương. Dịch tiết và pH cũng không còn được duy trì ổn định như trước. Các biểu hiện dễ thấy như khô hạn, chấm xuất huyết, loét, chảy máu,… ngay cả khi chỉ va chạm nhẹ.

 

Vấn đề phụ khoa khác nhau tại mỗi giai đoạn cuộc đời
Vấn đề phụ khoa khác nhau tại mỗi giai đoạn cuộc đời

 

Viêm nhiễm phụ khoa

 

Viêm nhiễm phụ khoa là tình trạng viêm nhiễm phần phụ (âm đạo, buồng trứng, cổ tử cung, vòi trứng,…) Trong đó, viêm âm đạo là bệnh lý phổ biến nhất. Các mầm bệnh gây viêm âm đạo thường gặp là: Nấm men, vi khuẩn, trùng roi, virus (u nhú, herpes…).

 

Thông qua quan hệ tình dục, nội sinh, đôi khi do thầy thuốc khám bệnh không đảm bảo cũng khiến mầm bệnh xâm nhập và gây bệnh. Mỗi mầm bệnh gây ra những triệu chứng khác nhau:

 

  • Viêm âm đạo do vi khuẩn: Khí hư nhiều, đặc, màu vàng/ xám, mùi tanh “cá ươn”, pH>4,5. Có thể kèm đau trằn bụng đau lưng, tiểu buốt rát.
  • Viêm âm đạo do nấm: Khí hư trắng đục, lợn cợn, đóng thành mảng, pH <4,5. Âm hộ sưng phù, đau, ngứa rát. Tiểu nóng, đau, rát. Giao hợp đau.
  • Viêm âm đạo do trùng roi: Khí hư loãng, vàng xanh, có bọt mùi hôi, pH >4,5. Âm hộ ngứa rát, đau trằn bụng, tiểu đau. Trên thành âm đạo có những nốt hình tròn hoặc bầu dục.
  • Viêm âm đạo do thiếu Estrogen: Âm hộ khô, teo, ngứa, đau. Thành âm đạo mỏng, rất dễ bị chảy máu. Đặt mỏ vịt đau.

 

Phân biệt viêm nhiễm do các tác nhân khác nhau
Phân biệt viêm nhiễm do các tác nhân khác nhau

 

Tái phát viêm âm đạo

 

Do đâu mà điều trị viêm âm đạo mãi mà không khỏi? Dưới đây là một số nguyên nhân khiến viêm âm đạo tái phát nhiều lần mà bạn cần phải lưu ý:

 

Điều trị không triệt để

 

Viêm âm đạo tái phát nhiều lần do nguyên nhân thường gặp nhất là điều trị không triệt để. Thời gian cho một đợt điều trị viêm nhiễm phụ khoa thường kéo dài từ 7 đến 14 ngày. Tuy nhiên, nhiều chị em chỉ sau vài ngày đầu thấy triệu chứng đã giảm bớt thì tự ý dừng thuốc luôn.

 

Sau đợt điều trị, chị em cũng cần đi tái khám để chắc chắn đã loại bỏ được hết các mầm bệnh. Viêm nhiễm do nấm và trùng roi khó điều trị và thường mất nhiều thời gian hơn vi khuẩn nhiều.

 

Điều trị triệt để ở đây bao gồm cả điều trị đồng thời cả vợ và chồng. Đây là điều quan trọng nhưng lại ít được chú ý. Trong quá trình quan hệ, hai vợ chồng vô tình “chia sẻ” chung mầm bệnh. Do đó, nếu không chữa đồng thời, nguy cơ tái nhiễm rất cao.

 

Cần tái khám sau mỗi đợt điều trị để chắc chắn đã loại bỏ triệt để viêm nhiễm
Cần tái khám sau mỗi đợt điều trị để chắc chắn đã loại bỏ triệt để viêm nhiễm

 

Các yếu tố nguy cơ

 

Ký sinh trùng có thể bùng phát ngay khi hàng rào sinh lý bị đảo lộn, đó là khi:

 

  • Phụ nữ mang thai: Do thay đổi sinh lý, vùng kín của các mẹ bầu đặc biệt ẩm ướt hơn nhiều so với bình thường. Lượng đường trong dịch tiết cũng tăng. Điều này tạo môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi sinh vật sinh sôi và phát triển, nhất là nấm men.
  • Phụ nữ mãn kinh: Hàm lượng Estrogen suy giảm kéo theo sự thoái hóa của các thành phần biểu mô âm đạo. pH tăng cộng với hàng rào biểu mô mỏng, dễ bị trầy xước khó lòng bảo vệ vùng kín khỏi sự tấn công của nấm và hại khuẩn.
  • Chăm sóc vùng kín không phù hợp: Đừng lầm tưởng thụt rửa sâu thì “cô bé” sẽ sạch bong từ trong ra ngoài. Thực tế, nguy cơ các mầm bệnh xâm nhập do thụt rửa sâu là rất cáo. Bên cạnh đó sử dụng xà phòng thơm và các chất tẩy rửa mạnh cũng gây ra những tác hại không ngờ đến “cô bé”.
  • Sinh hoạt tình dục không an toàn: Không sử dụng biện pháp bảo vệ, bạn tình mang mầm bệnh hay thậm chí quan hệ quá nhiều/ quá sớm cũng làm tăng nguy cơ viêm nhiễm âm đạo.
  • Kháng sinh: Sử dụng kháng sinh thường xuyên, kéo dài gây ảnh hưởng đến cân bằng hệ vi sinh của cả vùng kín. Trong đó, lợi khuẩn lại dễ bị ảnh hưởng hơn, trở thành tiền đề cho vi khuẩn có hại phát triển.

 

Nguyên tắc điều trị

 

Để điều trị viêm âm đạo đạt hiệu quả cần tuân theo bốn nguyên tắc chính, bao gồm:

 

  • Điều trị nguyên nhân: Sử dụng kháng sinh/ kháng nấm/ thuốc diệt ký sinh trùng theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Phục hồi môi trường âm đạo (pH & lợi khuẩn).
  • Vệ sinh đúng cách (khô, sạch), tránh thói quen thụt rửa âm đạo.
  • Giải quyết các yếu tố thuận lợi gây viêm.

 

Vấn đề vệ sinh vùng kín

 

Vệ sinh vùng kín hằng ngày là yêu cầu cơ bản để đảm bảo sức khỏe “cô bé”.

 

Âm đạo có cần làm sạch không?

 

Đáp án là không. Âm đạo – tự nó đã có khả năng làm sạch bởi cơ chế sinh lý bao gồm: dịch tiết âm đạo, pH acid và lợi khuẩn. Là một ống cơ nằm bên trong cơ thể, âm đạo hạn chế được sự xâm nhập của các ký sinh trùng từ bên ngoài. Do đó, thao tác vệ sinh vùng kín chỉ được khuyến cáo cho vùng âm hộ (phía ngoài).

 

Thụt rửa sâu vào âm đạo là không cần thiết. Việc này còn khiến âm đạo phải đối diện với nhiều nguy cơ tiềm tàng như nhiễm khuẩn, tổn thương, viêm vùng chậu,… Phụ nữ mang thai đặc biệt phải chú ý tránh thụt rửa sâu để hạn chế các tác động không mong muốn (sinh non, viêm màng ối,…).

 

Làm sạch âm đạo chỉ được tiến hành nếu có chỉ định của bác sĩ
Làm sạch âm đạo chỉ được tiến hành nếu có chỉ định của bác sĩ

 

Các nguyên tắc cần ghi nhớ khi vệ sinh vùng kín hằng ngày

 

Chị em khi vệ sinh vùng kín hằng ngày cần phải ghi nhớ các nguyên tắc dưới đây:

 

  • Phụ nữ ở mọi độ tuổi cần vệ sinh vùng kín hàng ngày và sau mỗi lần đi đại tiện.
  • Tắm rửa thường xuyên (kể cả trong chu kỳ kinh nguyệt), vệ sinh âm hộ hàng ngày, sau mỗi lần đi đại tiện bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ được khuyên dùng, nhớ phải lau từ trước ra sau (hậu môn là cuối cùng).
  • Luôn giữ cho bộ phận sinh dục ngoài khô, sạch, không đưa những dụng cụ, khăn, vật lạ vào trong âm đạo để lau vì bất cứ lý do nào, không tự thụt rửa âm đạo khi không có chỉ định của thầy thuốc.
  • Sử dụng chất tẩy rửa nhẹ nhàng, không gây dị ứng, ưu tiên các sản phẩm có độ pH phù hợp pH sinh lý. Tuyệt đối không vệ sinh vùng kín bằng xà phòng hay các chất tẩy rửa mạnh.
  • Mặc đồ lót có chất liệu cotton thấm hút tốt, form dáng thoải mái, hạn chế mặc quần bó sát. Thay quần lót thường xuyên.
  • Trước và sau khi quan hệ tình dục, cần phải vệ sinh vùng kín cho cả hai người.

 

Hiểu để chăm sóc “cô bé” ngày một tốt hơn. Hi vọng thông tin cung cấp ở trên sẽ giúp chị em giải quyết hiệu quả hơn những vấn đề khó nói.