Rôm sảy dễ xuất hiện trên da trẻ nhỏ, nhất là vào thời tiết oi bức, trẻ bị đổ nhiều mồ hôi. Là một bệnh lý tương đối lành tính nhưng tình trạng này khiến trẻ khó chịu và ngứa ngáy. Bố mẹ cần có những can thiệp hợp lý để ngừa các tổn thương trên da, ngăn rôm sảy bùng phát.

 

Rôm sảy dễ xảy ra vào mùa nóng
Rôm sảy dễ xảy ra vào mùa nóng

Nhận biết trẻ bị rôm sảy

 

Trao đổi chất ở trẻ diễn ra mạnh mẽ cộng thêm hệ thống điều nhiệt chưa ổn định nên thân nhiệt thường cao hơn nhiều so với người lớn. Gặp thời tiết nóng nực, mồ hôi sẽ tiết nhiều hơn. Trong điều kiện đó, tuyến mồ hôi của trẻ chưa hoàn thiện nên dễ bị ứ tắc trên da gây rôm sảy.

 

Rôm sảy thường mọc thành đám tại vùng tiết nhiều mồ hôi, nếp gấp da và những nơi kém thông thoáng như nách, cổ, mông, ngực, lưng, eo,…. Trường hợp nặng, rôm sảy có thể mọc gần như toàn thân. Tùy vào nông sâu và mức độ mà ống dẫn mồ hôi bị tắc nghẽn, rôm sảy có thể được chia làm 4 mức độ:

 

  • Mức độ 1: Tắc nghẽn xảy ra ở ngay dưới lớp sừng (rất nông), biểu hiện là các mụn nước nhỏ, dễ vỡ. Loại này thường xảy ra khi sốt cao khi khỏi để lại các lớp bong tróc nhẹ.
  • Mức độ 2: Tắc nghẽn ở giữa thượng bì, mồ hôi tích tụ ở thượng bì và trung bì tạo ra các nốt mẩn đỏ, mụn nước cứng hơn, gây ngứa, bứt rứt. Đây là tình trạng phổ biến vào mùa nóng ẩm, trẻ mặc quần áo kém thông thoáng, ít tắm rửa. Khi trời mát, các vết này sẽ tự lặn đi, vẩy da bong mỏng và không để lại sẹo.
  • Mức độ 3: Tương tự như mức độ 2 nhưng chỗ tắc nghẽn không chỉ bị sẩn mà còn có mủ, nhọt, viêm nang lông. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ việc gãi, nặn, chí các nốt mụn nước gây nhiễm khuẩn.
  • Mức độ 4: Tổn thương nhiều lần gây tắc nghẽn tại ống dẫn vào nhú da ở màng cơ bản thượng bì và mồ hôi bị giữ lại dưới sâu hạ bì. Các nốt sần đỏ lớn và sâu hơn, kèm theo cảm giác đau kéo dài và nguy cơ tổn thương vĩnh viễn tuyến mồ hôi.

 

Các mức độ rôm sảy
Các mức độ rôm sảy

Cách trị rôm sảy cho trẻ

 

Rôm sảy có thể biến mất mà không để lại dấu tích gì trên da trẻ nếu ba mẹ nắm chắc ba nguyên tắc dưới đây:

 

“Bảo toàn” các vết sẩn mụn nước

 

“Giết rôm sảy” là một quan niệm hết sức sai lầm. Thông thường rôm sảy ở trẻ chỉ dừng lại ở mức độ 1 và 2. Việc tác động làm vỡ các vết rôm sảy tiềm ẩn nguy cơ gây viêm, nhiễm khuẩn với các tổn thương lâu dài trên da.

 

Hạn chế tuyệt đối việc gãi, chí vỡ mụn nước. Thay vào đó, bố mẹ hãy xoa nhẹ hoặc đặt một miếng khăn mát lên trên để làm dịu cơn ngứa ngáy, khó chịu cho trẻ. Lưu ý cắt móng tay cho trẻ để tránh trẻ tự gãi xước.

 

Tuyệt đối không tác động làm vỡ các nốt rôm sảy
Tuyệt đối không tác động làm vỡ các nốt rôm sảy

 

Tránh cho trẻ bị nóng, tiết quá nhiều mồ hôi

 

Mồ hôi là yếu tố mấu chốt gây ra rôm sẩy. Do đó, chìa khóa để loại trừ rôm sảy chính là hạn chế thân nhiệt tăng cao gây tiết nhiều mồ hôi.

 

  • Cho trẻ ở nơi thông thoáng, bật quạt/ điều hòa khi nhiệt độ tăng cao.
  • Cho trẻ mặc quần áo rộng, thoáng mát, không quấn tã lót quá chật. Lựa chọn chất liệu quần áo, tã lót, chăn gối,… thấm hút tốt. Có thể tham khảo một số chất liệu như: cotton, rayon, modal, melange, vải lanh, vải xô, vải sợi tre, lụa tơ tằm, lụa tơ sen,…
  • Khuyến khích trẻ vận động nhẹ nhàng, thường xuyên thay đổi tư thế cho trẻ để tránh bí, chấp mồ hôi vùng tì đè.

 

Làm sạch da cho thông thoáng

 

Giữ cho bề mặt da luôn sạch sẽ, thông thoáng giúp hạn chế hiệu quả tình trạng bít tắc. Dưới đây là một số vấn đề về vệ sinh da bố mẹ cần lưu ý:

 

  • Tắm rửa, lau người cho trẻ thường xuyên để hạ nhiệt và giữ cho da sạch sẽ, thông thoáng. Chú ý lau khô các nếp gấp da bằng khăn mềm, tránh bị ẩm ướt.
  • Trẻ bị rôm sảy nên tắm gì? Có thể dùng sữa tắm, thuốc tím pha loãng (1:10.000) hoặc các loại dược liệu (lá mướp đắng, rau má, sài đất, trà xanh, lá đào, lá dâu…). Cần lựa chọn các loại sữa tắm phù hợp với làn da của trẻ, độ pH và chất tẩy rửa dịu nhẹ.
  • Nhiệt độ nước tắm lý tưởng là khoảng 36-38 độ. Không dùng nước lạnh để giúp bé hạ nhiệt nhanh. Luôn để trẻ quen dần với nhiệt độ bằng cách dội nước từ dưới lên cao dần. Tắm cho trẻ trong vòng 5-10 phút, không để trẻ tắm quá lâu.
  • Cẩn trọng khi thoa phấn rôm lên da của trẻ. Mồ hôi tiết quá nhiều sẽ vượt quá khả năng thấm hút của phấn rôm, gây bết và càng thêm bít tắc. Hạn chế để trẻ hít phải phấn rôm.
  • Tránh bôi thêm lotion, thuốc mỡ khi không cần thiết vì các sản phẩm này làm tăng nguy cơ bít tắc khiến trẻ bị nổi rôm sảy.

Tắm rửa cho bé thường xuyên bằng peron để da bé luôn thông thoáng
Tắm rửa cho bé thường xuyên bằng peron để da bé luôn thông thoáng

Chăm sóc bé bị rôm sảy

Trẻ bị rôm sảy phải làm sao? Bên cạnh giữ cho bề mặt da khô thoáng, dưới đây là một số điều bố mẹ cần cập nhật thêm để chăm sóc trẻ bị rôm sảy.

 

  • Cho trẻ uống đủ nước: Có thể uống thêm oresol, nhất là trong thời tiết nóng bức, trẻ bị đổ nhiều mồ hôi/ sốt. Đối với trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên, bố mẹ có thể cân nhắc một số loại nước mát như nước dừa/ nước ngô/ đỗ đen,…
  • Chế độ ăn đủ vitamin và khoáng chất: Trẻ đã ăn dặm nên được cung cấp thêm rau củ quả. Bố mẹ có thể tăng cường thực phẩm giàu vitamin C và kẽm để củng cố hàng rào bảo vệ da, giúp da mau lành.
  • Trường hợp vết rôm sảy có viêm nhiễm, cần cho trẻ đi khám, nhất là đối với trẻ sơ sinh bị rôm sảy. Không tự ý bôi kháng sinh/corticoid. Bố mẹ có thể cân nhắc lau rửa bằng cồn iod hữu cơ (ví dụ: Betadine…) để kháng khuẩn, giảm viêm.

 

Với điều kiện khí hậu nóng ẩm như ở nước ta, trẻ bị rôm sảy là tình trạng rất phổ biến. Mặc dù vậy, bố mẹ đừng chủ quan. Hãy trang bị những thông tin cần thiết để ngăn ngừa rôm sảy cho con một cách khoa học, hiệu quả nhất.